Cuốn sách Hồ Xuân Hương và Tôi của tác giả Đông Di được xếp – có lẽ do chính tác giả xếp – vào thể loại tản văn. Nhưng khi đọc xong và nghĩ sâu về tác phẩm này, tôi vẫn cứ muốn xem nó là một tiểu thuyết, chính xác là một tiểu thuyết du ký.

Bởi qua vài trăm trang văn bản, tôi nhận ra, dưới hình thức kể lại những điều mắt thấy tai nghe, những cuộc gặp gỡ trò chuyện, những cảm xúc và suy nghĩ về một cuộc đi du lịch nước ngoài, đất nước Nepal, của chính người viết, thì cuốn sách không phải tổng số của những phiến đoạn ghi chép rời rạc, phân tán – như các tập tản văn thông thường vẫn vậy – mà là một dòng chảy truyện kể liên tục, mang tính hướng tâm mạnh mẽ, càng về cuối càng bộc lộ rất rõ chủ đề cốt lõi. Như vài đoạn mà tác giả viết trong Lời giới thiệu đặt ở đầu sách: “Nepal, với sự đơn sơ nhưng đầy huyền bí, đã trở thành bối cảnh cho câu chuyện của tôi, một người phụ nữ hiện đại nhưng luôn tìm kiếm những giá trị cổ xưa. Trong chuyến đi ấy, cuốn sách Thơ Nôm Hồ Xuân Hương của tác giả Kiều Thu Hoạch như một chiếc cầu nối, đưa tôi về với những cảm xúc nguyên sơ, những bài học thâm thúy từ nữ sĩ tài hoa của đất Việt… Qua từng trang viết, tôi hy vọng các bạn – những độc giả trẻ tuổi – sẽ cảm nhận được sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong việc giúp chúng ta định hình bản sắc, ngay cả khi chúng ta bước chân ra ngoài thế giới rộng lớn”.

Ở đây có hai tự sự: 1, tự sự du hành của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, tên Đông Di (không nhất thiết trùng khít, nhưng cũng có thể là chính tác giả của cuốn sách này) trên hành trình đến với Nepal và trong quá trình thăm thú nơi này nơi khác tại xứ sở mà Đức Phật đản sinh. Và 2, tự sự về việc trong chuyến du hành ấy, chị đã có cơ hội đọc lại nhiều bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương và phát hiện ra một Hồ Xuân Hương nữ sĩ – mà chị luôn gọi là “Nữ thần của tôi” – với chiều sâu tâm giới, tài năng, bản lĩnh và tầm vóc văn hóa khác biệt đến như thế nào nếu so với những gì người ta đã nói và viết về bà từ trước đến nay.

Tự sự thứ nhất, về cơ bản, cũng như hầu hết tác phẩm du ký mà các tác giả Việt Nam từng viết về những chuyến đi ra thế giới bên ngoài lãnh thổ hình chữ S. Sự tiếp xúc với vùng đất mới lạ đã giúp cho Hồ Xuân Hương và Tôi có được một màu sắc “hương xa” khá đặc biệt. Không chỉ là diện mạo thiên nhiên biến đổi khác nhau lúc sớm lúc chiều ở dãy Himalaya hùng vĩ khiến người thưởng lãm vô cùng ngây ngất. Không chỉ là những ngôi đền Hindu, các bảo tháp, những ngôi chùa hay tự viện Phật giáo với kiến trúc độc đáo khiến khách lữ hành phải trầm trồ thán phục. Không chỉ là các sắc dân bản địa sống trên dãy Himalaya với những tập tục đời sống và văn hóa khác biệt khiến những người quan sát cảm thấy thích thú. Tất cả những cái đó có, nhưng chưa đủ. Đọc tác phẩm của Đông Di, tôi thấy cái màu sắc “hương xa” còn được thể hiện rất đậm qua việc tác giả dựng lên những đối thoại giữa Đông Di (nhân vật) với người bạn đồng hành Mỹ Lai hay với các nhân vật khác như chàng hướng dẫn viên du lịch tên Ram, người thuộc đẳng cấp Bà la môn, thành viên của một gia tộc lâu đời và đầy quyền lực ở Katmandu; bạn trai cũ Pierre de G, người Pháp, có cái hỗn danh Việt Nam là Tây Độc, đang tu tập ở Nepal; hoặc với Ả Trần, biệt danh do Đông Di đặt cho Jacque, chàng trai Pháp từng theo học đại học Yale, có ông nội là người Việt, và hiện đang là một tu sĩ Phật giáo Mật tông thuần thành. Từ những cuộc gặp gỡ và trò chuyện này, cả một thế giới những huyền thoại cổ xưa, những truyền thống tâm linh bí ẩn, những niềm tin và sự thực hành tín ngưỡng kỳ lạ, đôi khi chứa đầy mâu thuẫn nội tại, của người Tây Tạng, của Hindu giáo và Phật giáo Mật tông trên dãy Himalaya đã ùa về, trào lên, mang lại cho người đọc – chí ít là có tôi – cái cảm giác kỳ thú. Cái chất “hương xa” ấy không chỉ thể hiện bằng những gì lữ khách mắt thấy tai nghe, mà chủ yếu, nó nằm trong những liên tưởng và suy ngẫm về văn hóa, văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, những kiến tạo từ sự tin tưởng vào cái thiêng liêng, cái thần thánh, cái mang lại tính bản sắc cho tồn tại của một xứ sở. Về phương diện này, phải ghi nhận rằng nhân vật Đông Di là một người kể chuyện rất giàu kiến thức và luôn tràn đầy niềm hứng khởi của sự được tự mình khám phá và kể lại.

Cũng từ đây mà diễn ngôn về văn hóa Việt Nam được kiến tạo. Chúng ta đều biết một ý của Karl Marx: khi nhìn vào người khác ta không chỉ thấy người khác, mà ta còn thấy chính mình. “Kẻ khác” như một điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại và tự thức nhận của ta. Hoặc, diễn đạt theo cách của triết gia Pháp Michel Foucault: nếu “kẻ khác” là một quyền lực/ tri thức, ta là một quyền lực/ tri thức, thì cái tương quan/ tương tác quyền lực/ tri thức ấy sẽ là cơ sở để hình thành một diễn ngôn. Ở Hồ Xuân Hương và Tôi cũng vậy. Đi du lịch Nepal, thì dù mới chỉ ở chặng trung chuyển Bangkok thôi, nhân vật Đông Di đã có một phác thảo về văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chị nói với Mỹ Lai: “Em có biết không? Mỗi khi chị tới chùa Dâu lễ Phật, chị lại tưởng tượng ra hàng ngàn năm qua biết bao nhiêu thế hệ người Việt, bao nhiêu đời tổ tiên của chị đã tới mảnh đất đó cùng một lòng thành kính chắp tay bái lạy như vậy. Chị luôn cảm thấy linh thiêng lắm”. Hoặc, ở một đâu đó trên dãy Himalaya, khi nhìn cảnh tín đồ đạo Hindu chặt đầu động vật để lấy máu hiến tế các vị thần, câu chuyện của họ chuyển qua nội dung xung đột và các cuộc chiến tranh tôn giáo, thì đây là phát biểu của Đông Di về sự khoan dung tôn giáo như một đặc điểm tích cực trong văn hóa Việt Nam: “Nếu có dịp mọi người nên tới thăm một trong nhiều ngôi làng cổ ở ven biển miền bắc Việt Nam. Mọi người sẽ thấy ở đầu làng là một ngôi chùa Phật giáo, tới giữa làng cách đó vài trăm mét sẽ có một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Người dân trong làng vẫn uống chung một nguồn nước, cày cấy trên cùng một cánh đồng, sinh sống bình yên bên nhau đời này nối tiếp đời khác”…

Trong suốt cuộc du hành trên đất Nepal, vật bất ly thân của nhân vật người kể chuyện Đông Di là cuốn biên khảo “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch. Nhiều bài thơ trong cuốn biên khảo đó, ngay từ những chương đầu của cuốn tiểu thuyết du ký này, tùy từng thời điểm và hoàn cảnh thích hợp, đã được Đông Di và Mỹ Lai đọc lên, đầy tâm đắc. Thơ như để diễn giải cho cảnh và tình, cảnh và tình lại như sự minh họa cho thơ. Đến mấy chương cuối: “Từ Mật tông đến thánh chiến”, “Ả Trần”, “Công chúa của vương triều Lê”, “Thăng Long thuở ấy”, “Cố nhân” thì mật độ những bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương được sử dụng lại càng nhiều lên, dày đặc. Chúng không chỉ do Đông Di và Mỹ Lai ngâm đọc, mà cả hai “ông Tây” là Tây Độc và Ả Trần cũng ngâm đọc. Trong trường hợp này, nhân vật Ả Trần là một sáng tạo đặc biệt khi tác giả đã để cho nhân vật ngâm đọc và bình luận về thơ Nôm Hồ Xuân Hương, trò chuyện, kể về lịch sử cuộc đời Hồ Xuân Hương với nhân vật người kể chuyện Đông Di khi đang trong trạng thái “hồi quy tiền kiếp”, một pháp môn bí truyền của Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Lúc này anh ta không còn là Ả Trần nữa, mà là Mộng Lan nữ sĩ, công chúa của vương triều Lê, bạn từ thuở thanh mai trúc mã, bạn xướng họa thơ văn tâm đầu ý hợp, bạn tri kỷ trọn kiếp của Hồ Xuân Hương. Từ lời kể của Mộng Lan nữ sĩ được triều hồi từ tiền kiếp – nên cuộc trò chuyện với Đông Di có thể được xem là một cuộc đối thoại xuyên thời – thật bất ngờ là cuộc đời và thơ ca của bà chúa thơ Nôm đã được diễn giải – đúng hơn là tái diễn giải – theo một cách mang rất nhiều khác lạ so với những cách diễn giải mà các nhà “Hồ Xuân Hương học” ở Việt Nam từng thực hiện. Một cách đọc khác về thơ Nôm Hồ Xuân Hương, có thể nói như vậy, một cách đọc loại trừ những nghi vấn văn bản học, loại trừ cả khái niệm “mặt nạ tác giả” vốn đã được giới nghiên cứu Hồ Xuân Hương hầu như nhất trí. Cách đọc này, từ quan điểm của nhân vật người kể chuyện Đông Di, và cả tác giả Đông Di nữa, làm bật lên Hồ Xuân Hương như một người phụ nữ Việt Nam, một nhà thơ nữ Việt Nam vĩ đại, vô tiền khoáng hậu về tài năng và nhân cách, một thiên tài mà cả nhân loại đã biết ơn bằng cách liên tục hiểu nhầm hoặc hiểu sai. Và theo mạch chủ ý của tác giả, tôi cho rằng khẳng định về Hồ Xuân Hương nữ sĩ cùng thơ ca của bà, như một đỉnh cao chói lóa, một giá trị trường tồn, thì cũng chính là cách tác giả hoàn thiện diễn ngôn về văn hóa Việt Nam trong tác phẩm tiểu thuyết du ký của mình.

Trân Khanh