Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương 胡春香 (1772-1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hành trạng hiện vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di tác của bà hoàn toàn là thơ, trong đó mảng Nôm có nhiều phẩm chất tốt cần sự khảo cứu lâu, nhưng thi sĩ Xuân Diệu đã tôn Hồ Xuân Hương làm Bà chúa thơ Nôm. Hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương theo dòng chảy chung đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình

Về hành trạng, không có bất cứ tư liệu cổ điển nào chép về lai lịch và hành trạng của Hồ Xuân Hương, bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách Giai nhân dị mặc 佳人遺墨 của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, ấn hành tại Hà Nội năm 1916. Cũng vì cớ đó, việc có hay không một nhân vật tên Hồ Xuân Hương hiện còn là câu hỏi ngỏ. Học giới nhất quán rằng Hồ Xuân Hương sinh vào năm 1772 ở phường Khán Xuân (nay thuộc địa phận công viên Bách Thảo, Hà Nội). Cũng theo Giai nhân dị mặc, bà là ái nữ của sinh đồ Hồ Phi Diễn 胡丕演 (1703-1786), người hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Còn theo học giả Trần Thanh Mại, thân phụ của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh 胡士名 (1706-1783) cũng người Quỳnh Đôi, là em cùng cha khác mẹ của Kinh Dương hầu Hồ Sĩ Ðống 胡士棟 (1739-1785). Thân mẫu của Hồ Xuân Hương là bà lẽ Hà thị 何氏 (?-1814) người trấn Hải Dương. Học giả Phạm Trọng Chánh dựa vào tục xướng danh cổ điển và câu tựa “Phi mai xuân sắc nhất kinh thành” 丕梅春色一京成 của Tốn Phong Phan Huy Huân để khẳng định: Hồ Phi Mai 胡丕梅 là nguyên danh, Xuân Hương 春香 là biểu tự và Cổ Nguyệt đường 古月堂 là bút hiệu.

Thầy tớ thong dong dạo cảnh chùa,

Cầm thư lưng túi rượu lưng hồ.

Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác,

Chim núi nghe kinh cổ gật gù.

Then cửa từ bi nêm chặt cánh,

Nén hương tế độ cắm đầy lò.

Nhà sư ướm hỏi nhà sư tí,

Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ.

Ấy bao nhiêu tuổi hỡi cô mình,

Chị cũng xinh mà em cũng xinh.

Trăm vẻ như in tờ giấy trắng,

Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh.

Phiếu mai chăng dám đường kia nọ,

Bồ liễu hơi đành phận mỏng manh.

Có một thú vui sao chẳng vẽ,

Trách người thợ ấy khéo vô tình.

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,

Tiên nữ nằm chơi quá giấc nồng.

Lược trúc chải cài trên mái tóc,

Yếm đào trễ xuống dưới nương long.

Đôi gò Bồng Đào sương còn ngậm,

Một lạch đào nguyên suối chửa thông.

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,

Đi thì cũng dở ở sao xong.

Quán Sứ chùa xưa cảnh vắng teo,

Thương ôi sư đã hóa ra mèo.

Sáng banh mắt kẻ khua dùi mõ,

Trưa trật không người quét kẽ rêu.

Chí chát chày kình im lại đấm,

Lầm rầm tràng hạt đếm cùng đeo.

Buồm từ rắp cũng sang Tây Trúc,

Gió vật cho nên phải lộn lèo.

Xuất thế hồng nhan kể cũng nhiều,

Lộn vòng phu phụ mấy là kiêu.

Gậy thần Địa Tạng khi chèo chống,

Tràng hạt Di Đà để đếm đeo.

Muốn dựng cột buồm sang bến giác,

Sợ cơn sóng cả lộn dây kèo.

Ví ai quả phúc mà tu được,

Cũng dốc một lòng để cố theo.