Thường nam độc giả khi đọc cuốn sách thứ hai của một người viết nữ mà mình yêu thích, cảm giác đa phần đều hồi hộp. Nhân sinh nhược chích như sơ kiến, bà ấy hay cô ấy có còn gìn giữ được phong độ đáng yêu ở lần gặp gỡ ban đầu. Vì chưa đầy ba năm, đứa con gái của cây cầu Long Biên lại viết tiếp, lại in tiếp. Vừa mừng vừa lo. Chao ôi phụ nữ, sống như bình thường đã khổ. Tố Như từng bảo, đau đớn thay phận đàn bà, phụ nữ viết văn chắc khổ gấp đôi. Có điều “khổ” đâu chỉ đau đớn sầu bi, bởi khi giảng về “khổ”, cụ Phật luôn nhấn mạnh rằng nó chính là nhận thức khởi đầu trong tiến trình đi đến giác ngộ giải thoát. Khổ Đế luôn tiên phong trong Tứ Thánh Đế ở Phật lý, phụ nữ viết văn liệu có nằm trong lộ trình ấy không. Chắc chắn là có. Viết văn về bản chất, vốn là phương tiện nhỏ nhoi để người ta loay hoay bám víu khi tìm hiểu Pháp. Và đức Thế Tôn hơn một lần mim mỉm từ bi kỹ lưỡng dặn dò, Phật Pháp Tăng vốn dĩ là Một.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà có một thực tế, hơn chục năm nay (không kể xa xưa), cả Đông lẫn Tây hiện diện quá nhiều những tác phẩm của nhà văn nữ đã đạt tới tầm kiệt tác. Chỉ cần ngắt một đoạn thời gian đương đại gần đây, thì Alice Munro người Canada được giải Nobel văn chương năm 2013. Và năm 2024 vừa rồi, Han Kang người Hàn Quốc lại đoạt. Đấy là chưa kể khoảng giữa, Nobel 2022 vinh danh Annie Ernaux người Pháp. Ở đây không bàn những chuyện mang vẻ to tát, thậm chí không bàn cái luận điểm đôi phần dung tục, giải Nobel văn học chưa hẳn đã là thước đo “khủng”. Cũng như rất nên giản dị hiểu tên cuốn sách này, “Hồ Xuân Hương và tôi”.

Có một ngông ngạo nhất định, nhưng đẫm đầy chân thành khi Đông Di chọn tên cho đứa con thứ hai của mình. Bởi nữ sĩ Hồ Xuân Hương người Việt lừng lẫy tới mức, thập loại chúng sinh đa phần phải biết. Cách đây chừng hai chục năm, tờ Thời báo New York nhận xét “tác phẩm mang tên Spring essence: The poetry of Ho Xuan Huong qua tài biên dịch của nhà thơ Mỹ John Balaban đã gây được sự chú ý đặc biệt của giới yêu thơ”. Và Đông Di đã rất hóm khi tinh tế PR cho bà qua mồm nhân vật nam Tây Độc (cố nhân của quyển trước) diễn cảm đọc bài Vịnh cái quạt bằng tiếng Pháp, rồi anh ta rưng rưng đọc tiếp bài Vấn nguyệt bằng tiếng Anh. Có thể nói, quanh Hồ nữ sĩ có không biết bao nhiêu những truyền kỳ hoang đường, có lẽ vì “lý lịch trích ngang” đầy bí ẩn ở bà. Đông Di bất chấp, trong liên tiếp ba chương sách, 9, 10, 11 (đặc sắc nhất là chương Thăng Long thủa ấy và Cổ Nguyệt đường), tác giả nửa “phiêu” nửa tỉnh sử chiêu “hiện thực huyền ảo” để minh định về nữ thần Xuân Hương của nàng. “Thăng Long không còn là Thăng Long nữa rồi. Phồn hoa đô hội cũng hết rồi… Ngày đó…Văn nhân mặc khách ngồi thuyền du chơi Tây Hồ, ngắm cảnh uống rượu bình thơ đàn xướng”. Sau đó thì, biết bao nhiêu tài tử văn nhân đã làm thơ dâng tặng… nữ lưu tài sắc vẹn toàn của đất Thăng Long. Cái hay của văn chương là, tin thì tin không tin thì thôi. Nó giống như thuật ngữ “bất nhị” ở Thiền tông, vừa Không vừa Sắc lại vừa chẳng Sắc chẳng Không. Và khi đã tin thì “tôi đã có thể mắng mỏ những kẻ hậu sinh sau thời của Nữ thần, bọn người đã nói xàm rằng: Nữ thần của tôi dung mạo xấu xí, không được thỏa mãn tình dục nên mới mang nỗi ẩn ức này vào trong thơ”. Viết mà vừa lãng mạn xúc động, mà vừa chính khí phẫn nộ như thế là khó lắm.

Đó là đời thường của Hồ nữ sĩ, còn về tác phẩm của bà cũng vô số tranh cãi học thuật, ví như tập Lưu hương ký chẳng hạn, nhiều bài trong đó là “chân” hay “ngụy”. Kể cả bản của học giả xứ Đoài Kiều Thu Hoạch mà Đông Di sử dụng, đã có nhiều câu hỏi nghiêm túc về văn bản gốc. Thậm chí có ý kiến “vớ vẩn” cực đoan tới mức, Hồ Xuân Hương chỉ là bút hiệu chung cho dăm kẻ sĩ mang chất “thầy đồ Nghệ” khét tiếng đùa dai. Liệu đây có phải là cặn đọng sâu xa trong tâm thức người Việt “trọng nam khinh nữ”. Có đôi chút mỉa mai khi Đông Di đăng đắng nhắc lại lời một sư cô Làng Mai: “Trong kinh sách Phật đã nói, thân xác của người nam quý hơn thân xác của người nữ”. Nguyên văn trong kinh kệ Pali không hẳn như thế. Có điều, cụ Phật đã lưỡng lự rất lâu khi dưỡng mẫu (và cũng là dì ruột) Maha Prajapati xin phép được lập ni đoàn. Hậu thế đánh giá rất cao sự cho phép phi thường này. Nó nâng vị trí người nữ đến mức quan trọng nhất, khi chấp nhận cho phụ nữ đặc quyền tiếp thụ một bản chất cao quý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới trong bối cảnh nồng nặc mùi đàn ông của văn hóa Bà la môn giáo. Tuy nhiên vẫn còn khá đông đám đàn ông có chữ vô minh “gia trưởng”, vẫn tỏ vẻ khoái trá dung tục khi đọc “bát kỉnh pháp”, tám điều giới luật cơ bản được chính Đức Thế Tôn ban cho các tỳ kheo ni.

“Hồ Xuân Hương và tôi”, tuyệt đối không tranh cãi câu chuyện nữ quyền. Lại càng không phải là cẩm nang cho những kẻ dư dật thích “phượt” tới các Phật quốc, mà cụ thể là Nepal. Các thông tin độc đáo mang vẻ du lịch về núi cao sông rộng, về thoát tục tu viện, về khác lạ nghi lễ được kể bằng giọng điềm đạm của một người đã trưởng thành. Và có lẽ, đã làm chủ được mình. “Swayambhunath là một ngôi đền Phật giáo nổi tiếng, nằm trên đỉnh một ngọn đồi nên người hành hương đều phải leo nhiều bậc cầu thang mới tới nơi. Nói là chùa, thật ra là một stupa lớn và xung quanh có nhiều stupa nhỏ. Chúng tôi chậm rãi đi dạo mấy vòng, vừa ngắm các ngọn tháp vừa phải dè chừng một bầy khỉ, lớn bé già trẻ rất đông đang nhảy nhót. Tôi hỏi thầm trong bụng, chẳng lẽ các Tôn Ngộ Không đều tụ họp về đây chờ đến lượt hóa thành Tề Thiên đại thánh”. Sắc thái hài hước nhẹ nhõm giễu cợt nhưng luôn tràn ngập “âu yếm” được giữ từ trang đầu đến trang cuối, ngay cả khi phải kể về những thiêng liêng danh thắng hay về những con người mà tác giả chân thành cảm tình. Đây là mấy nét ký họa tả cố nhân lâu ngày gặp lại, vốn xuất xứ là một doanh gia tinh anh, đã buông bỏ tất cả để tìm minh sư của đời mình và quyết định sẽ ẩn tu cả đời với sư phụ. “Tây Độc đã thay đổi rất nhiều, cái bụng bia của nhiều năm đã trở nên thon gọn hơn, trông dáng người có vẻ gầy gầy nhưng ánh mắt lại sáng hơn”. Đông Di còn chú tâm công phu khắc họa những điển hình phụ nữ. Không kể Hồ Xuân Hương và chính người viết, thì cô bé đồng hành đáng yêu bô lô ba la Mỹ Lai cũng là nhân vật thành công đáng kể. Nhưng tinh diệu nhất vẫn là anh chàng thiền sinh Mật Tông Ả Trần xinh giai, mà hình như ở một kiếp nào đó vốn là một kỳ nữ. Nếu chỉ thuần túy bàn cách viết, đại ngôn hay kêu bằng “thủ pháp nghệ thuật”, thì cuốn này già dặn hơn hẳn cuốn trước cho dù có nhiều người vẫn thích “Những đứa con của cây cầu Long Biên” hơn. Tất nhiên, vẫn là những cuộc hội thoại, song thoại nhưng rất nhiều trang trong “Hồ Xuân Hương và tôi” bứt thoát thăng hoa tới tầm minh tuệ của độc thoại. “Tôi nhìn cảnh tượng trước mặt mà cảm thán trong lòng. Con người thật cô đơn. Sinh ra trong sự cô đơn, chết đi cũng cùng với sự cô đơn. Thế mà cả đời chúng ta lại sợ sự cô đơn”.

Ở ta hiện nay, các đại gia đã và đang xây tượng Phật ở khắp nơi, bất cần biết lời đáp lừng danh của Bồ Đề Đạt Ma cho Lương Vũ đế, quách nhiên vô thánh. “Tren” du lịch tâm linh chợt nhiên thành thời thượng. Không phải ngẫu nhiên mà ở cuốn sách kỳ lạ này, hơn một lần tác giả đã thâm trầm giễu cợt, kể cả trải nghiệm mang vẻ nghiêm túc “hồi quy tiền kiếp”. Có phải vậy chăng mà chủ đề Phật giáo tuy đậm đặc nhưng vẫn nhẹ nhàng, vì được tác giả khai triển theo cái nhìn nữ tính rất riêng của mình. Gấp sách lại, độc giả bỗng thấy nhiều bâng khuâng. Và một trong những bâng khuâng đấy mang hình hài của một công án. Đành để lên làm nhan đề, lưỡng lự không đánh dấu chấm hỏi. Bởi “đu tren” theo đám trẻ trong trắng hồn nhiên bây giờ, chúng thường hay nói, hỏi cũng đã là trả lời.

Liệu Đông Di đang hỏi hay trả lời./.

Nguyễn Việt Hà