Trên tinh thần “muốn dành một địa chỉ để tưởng nhớ và tri ân nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đồng thời, tiếp nối những khát vọng của nữ sĩ: Dựng một trung tâm văn hóa để những người yêu thơ Hồ Xuân Hương nói riêng, yêu văn hoá Việt nói chung có cơ hội cùng nhau nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, tương tác đa chiều…” (Đông Di, Hồ Xuân Hương và tôi, NXB Hội Nhà văn, 2025, trang bìa), Cổ Nguyệt Đường chủ trương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa. Chương trình “XUYÊN KHÔNG GẶP HỒ XUÂN HƯƠNG CÙNG NHÀ VĂN ĐÔNG DI” là mở màn cho chuỗi các hoạt động đó.


Trong chương trình, một nhóm sinh viên trẻ khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2 (hơn 20 bạn) đã cùng trao đổi, tọa đàm về cuốn sách Hồ Xuân Hương và tôi của nhà văn Đông Di. Các bạn đã biểu lộ sự hứng khởi khi cầm sách, đọc sách. Mỗi bạn một ý kiến. Quốc Đạt chú ý đến bìa sách đẹp, ý nghĩa; chất liệu giấy đẹp, những bài thơ trong sách có ích với học sinh, sinh viên… Phương Ni quan tâm nhiều đến yếu tố Phật giáo. Thùy Dung nghiêng về những vấn đề lí luận với sức hút mạnh mẽ của chất tự sự, cấu trúc đối thoại, việc đan xen câu chuyện giữa hiện thực và ký ức, giữa trải nghiệm cá nhân và những giá trị văn hóa; Trung Hiếu nhận thấy “bản thân mình còn yếu kém trong việc nhìn nhận về một thi sĩ “thiên tài” thật là phiến diện và qua loa”; Tuấn Anh “học được từ tác giả Đông Di một chân lí hết sức lớn lao: sống là để đối thoại, là để soi chiếu mình qua người khác, kể cả khi “người khác” ấy là một nữ sĩ cách đây vài trăm năm”,… Những kiến giải của các bạn sinh viên đã khiến Hồ Xuân Hương và tôi được khám phá từ nhiều góc nhìn, khá hấp dẫn và sôi nổi. Từ đây, Cổ Nguyệt Đường đã có những “hội viên” đầu tiên.

Trân quý nhà văn Đông Di, các bạn sinh viên đã tặng nhà văn những món quà sinh viên ý nghĩa: hoa tươi, bookmark tự tay làm,… và những lời cảm ơn chân tình.

“Xuyên không gặp Hồ Xuân Hương cùng nhà văn đông Di” đã để lại nhiều xúc cảm, dự báo hiệu quả và hấp dẫn cho những chương trình tiếp theo của Cổ Nguyệt Đường.

