Khi mất đi văn hóa đọc, là mất đi cầu nối giữa thế hệ.
Trong một thời đại mà cú chạm màn hình thay thế cho những ngón tay lật trang, mà video ngắn 15 giây hấp dẫn hơn những dòng văn dài hun hút, nữ tác giả Đông Di – một người tâm huyết với văn hóa và thế hệ trẻ Việt Nam – lại ngược dòng, nói về một nỗi đau âm thầm nhưng bền bỉ: Sự mai một của văn hóa đọc trong giới trẻ.
Không phải bằng lời than vãn, cũng chẳng lên án hay quy kết, bà nói về văn hóa đọc như người mẹ lặng lẽ nhìn con mình bỏ quên căn nhà cũ – nơi từng cất giữ biết bao ngọn lửa đầu đời. Và rồi, từ tâm tư ấy, bà đã ấp ủ dựng lại Cổ Nguyệt Đường: Một văn đàn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương xưa, một điểm hẹn của ánh sáng tri thức, một không gian để sách lại được thở, và người trẻ lại được sống trong không khí của sự học, của sự đọc, và của sự khai minh.

Trong những buổi trò chuyện cùng học sinh, sinh viên, tác giả Đông Di không giấu được sự lo lắng trước một thực trạng đang dần trở nên phổ biến: “Các em thông minh hơn, lanh lợi hơn, nhưng lại thiếu chiều sâu trong tư duy và cảm xúc. Điều đó không phải vì các em kém cỏi, mà vì các em không còn đọc nhiều như thế hệ trước.”
Bà kể, ngày xưa, một quyển sách quý như một báu vật. Người ta chuyền tay nhau, chép lại từng dòng, và cả làng cùng nhau giữ lấy như giữ lửa. Nay, giữa biển tri thức online, sách in bị coi là lỗi thời, chậm chạp, thậm chí không còn “hấp dẫn”.
Nhưng chính sự “chậm” đó, theo bà, lại là điều quý giá: “Sách dạy con người biết lắng nghe, biết chờ đợi, biết suy nghĩ. Đọc là quá trình nội soi, là một hành trình nội tâm, không thể vội vàng.”
Văn hóa đọc, với Đông Di, không chỉ là chuyện cá nhân cầm quyển sách lên đọc. Đó là văn hóa của sự truyền thụ – nơi ông bà kể chuyện cho cháu, cha mẹ đọc sách cùng con, thầy trò đối thoại qua những trang kinh điển. “Khi mất đi văn hóa đọc, là mất đi cầu nối giữa thế hệ”, bà thở dài.
Từ nỗi thao thức ấy, Đông Di nghĩ đến Cổ Nguyệt Đường – một mô hình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương từ hơn 200 năm trước, nay trở lại không chỉ là thư phòng, không chỉ là thư viện, mà là một không gian văn hóa đúng nghĩa: Nơi sách sống cùng người, nơi trí tuệ được truyền trao qua giao tiếp, gặp gỡ, và trải nghiệm.
“Cổ Nguyệt” là tên gợi nhớ đến ánh trăng xưa, gợi về nét đẹp thanh đạm, tĩnh lặng, một vẻ đẹp đầy chất phương Đông. Nhưng “Đường” lại là nơi của gặp gỡ, của chung sống – nơi trăng xưa soi sáng con đường của hôm nay. Cổ Nguyệt Đường không đặt mục tiêu trở thành một thư viện hiện đại ngồn ngộn thiết bị, mà ngược lại, là nơi tái lập lại không khí học đường thuở cũ – nơi mỗi tách trà, mỗi ánh đèn vàng, mỗi bài bình thơ đều là một sự trải nghiệm sống động.
Tác giả Đông Di chia sẻ: “Tôi muốn các bạn trẻ đến đó, không chỉ để đọc sách, mà để học cách sống chậm, sống sâu, và sống đẹp. Ở đó, các em có thể gặp nhau để thảo luận về một cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX, để nghe một nhà nghiên cứu kể chuyện chữ Hán – Nôm, để tập chép thư pháp, hay đơn giản là ngồi tĩnh tâm viết nhật ký tay.”

Điều khiến tâm nguyện của tác giả Đông Di đặc biệt không chỉ là ở lý tưởng, mà ở sự hiểu thấu căn cốt văn hóa Việt. Bà cho rằng, khi giới trẻ mất gốc đọc sách, là họ đang dần “bị bứng” khỏi mảnh đất của chính dân tộc mình. “Nhiều em giỏi ngoại ngữ, lập trình, khởi nghiệp sớm – nhưng khi hỏi về Truyện Kiều, về Nguyễn Khuyến, về Hịch tướng sĩ… thì không trả lời được. Không phải vì các em không có năng lực, mà là chưa từng được sống trong môi trường giúp các em thấy đó là điều thiết yếu.”
Bà ví văn hóa đọc như một cái rễ: “Không thấy rễ, nhưng nếu rễ khô, cây sẽ chết. Muốn bay cao trong thế giới, phải có cái neo văn hóa giữ mình khỏi lạc trôi.” Cổ Nguyệt Đường, với bà, không chỉ là nơi nuôi dưỡng tri thức, mà là nơi khơi dậy lòng yêu nước một cách sâu sắc và tự nhiên. Không hô hào khẩu hiệu, không giáo điều, mà bằng những câu chuyện sống động từ sách, từ lịch sử, từ văn hóa dân tộc.
Chọn làm một điều đi ngược dòng – khuyến khích đọc sách, mở không gian đọc sách trong thời đại của reels, shorts và TikTok – Đông Di biết mình không dễ thành công ngay. “Tôi không kỳ vọng một làn sóng lớn. Tôi chỉ mong những hạt giống đầu tiên được gieo. Một em sinh viên đến Cổ Nguyệt Đường, tìm được một quyển sách, rồi thay đổi cách nghĩ, cách sống – thế là đủ. Rồi em ấy lại chia sẻ cho người khác.”
Bà kể lại câu chuyện xúc động: Có lần trong cuộc gặp gỡ chia sẻ về cuốn sách “Hồ Xuân Hương và Tôi”, khi nghe bài thơ và cảm nhận phân tích của những người tham gia, một em sinh viên đã rất xúc động. Em nói: “Con không ngờ chữ nghĩa có thể khiến mình thấy đau đến vậy, đau với thân phận, đau với thời cuộc nhưng cũng sáng bừng nhân cách.” Từ hôm đó, em quyết định mỗi tuần đọc một cuốn sách nhỏ và tự viết lại cảm nghĩ. Đó chính là ngọn lửa nhỏ mà Đông Di vẫn hằng mong.
Hiện nay, mô hình Cổ Nguyệt Đường đang được bà chuẩn bị kỹ lưỡng – từ không gian, nội thất, cho đến tủ sách, chương trình hoạt động. Mặc dù, nơi đây mới là một không gian nhỏ, ấm cúng nhưng đó là sự khởi đầu đầy tâm huyết của Đông Di. Bà muốn nơi này không chỉ là “Cổ Nguyệt Đường”, mà là nơi của cộng đồng – nơi bất kỳ ai yêu sách, yêu văn hóa đều có thể tham gia đóng góp, xây dựng.
Bà kêu gọi các nhà giáo, nhà nghiên cứu, bạn trẻ yêu tri thức cùng nhau đến, không chỉ để đọc mà để sống trong không khí của sách. “Cổ Nguyệt Đường sẽ có lớp học Hán Nôm, đàm đạo văn học, bình thơ, chiếu phim kinh điển, thậm chí cả lớp học làm giấy dó, vẽ tranh dân gian, chép kinh – để mọi người thấy sách là một phần của đời sống, chứ không phải vật trang trí.”
Giữa những ồn ào hiện đại, có người vẫn lặng lẽ đi dựng lại một mái nhà cho sách. Có thể nó chỉ là một căn phòng nhỏ, với vài tủ sách và ít bàn ghế gỗ. Nhưng nếu nơi đó khơi được một đốm lửa, nó có thể lan ra thành ngọn nến, rồi một ngày, thành đuốc soi sáng cho một thế hệ. Tác giả Đông Di, bằng tình yêu lặng lẽ với sách và giới trẻ, đang thực sự thực hiện một sứ mệnh mang tính văn hóa lâu dài. Không vì danh tiếng, không vì lợi nhuận, mà vì niềm tin: Nếu còn các bạn trẻ đọc sách, thì tương lai văn hóa dân tộc vẫn còn cơ hội bảo tồn và phát triển.
Cổ Nguyệt Đường – nếu thành công, sẽ không chỉ là một địa điểm văn hóa. Đó là một lời mời trở về – trở về với những giá trị bền vững, với căn cốt của dân tộc, và với chính bản thân mình, trong lặng yên của từng trang sách./.