Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương 胡春香 (1772-1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hành trạng hiện vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di tác của bà hoàn toàn là thơ, trong đó mảng Nôm có nhiều phẩm chất tốt cần sự khảo cứu lâu, nhưng thi sĩ Xuân Diệu đã tôn Hồ Xuân Hương làm Bà chúa thơ Nôm. Hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương theo dòng chảy chung đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình

Về hành trạng, không có bất cứ tư liệu cổ điển nào chép về lai lịch và hành trạng của Hồ Xuân Hương, bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách Giai nhân dị mặc 佳人遺墨 của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, ấn hành tại Hà Nội năm 1916. Cũng vì cớ đó, việc có hay không một nhân vật tên Hồ Xuân Hương hiện còn là câu hỏi ngỏ. Học giới nhất quán rằng Hồ Xuân Hương sinh vào năm 1772 ở phường Khán Xuân (nay thuộc địa phận công viên Bách Thảo, Hà Nội). Cũng theo Giai nhân dị mặc, bà là ái nữ của sinh đồ Hồ Phi Diễn 胡丕演 (1703-1786), người hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Còn theo học giả Trần Thanh Mại, thân phụ của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh 胡士名 (1706-1783) cũng người Quỳnh Đôi, là em cùng cha khác mẹ của Kinh Dương hầu Hồ Sĩ Ðống 胡士棟 (1739-1785). Thân mẫu của Hồ Xuân Hương là bà lẽ Hà thị 何氏 (?-1814) người trấn Hải Dương. Học giả Phạm Trọng Chánh dựa vào tục xướng danh cổ điển và câu tựa “Phi mai xuân sắc nhất kinh thành” 丕梅春色一京成 của Tốn Phong Phan Huy Huân để khẳng định: Hồ Phi Mai 胡丕梅 là nguyên danh, Xuân Hương 春香 là biểu tự và Cổ Nguyệt đường 古月堂 là bút hiệu.

Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,

Cớ sao khi khuyết lại khi tròn.

Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi,

Hỏi chị Hằng Nga được mấy con.

Đêm tối cớ sao soi gác tía,

Ngày xanh còn thẹn mấy vầng son.

Năm canh lơ lửng chờ ai đó,

Hay có tình riêng mấy nước non.

 

Mười bảy hay là mười tám đây,

Cho ta yêu dấu chẳng dời tay.

Mỏng dày chừng ấy chành ba góc,

Rộng hẹp ngắn nao cắm một cay.

Càng nực bao nhiêu thời càng mát,

Yêu đêm chẳng chán lại yêu ngày.

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,

Chúa dấu vua yêu một cái này.

Thương thay phận gái cũng là người,

Nỡ bỏ xuân xanh quá nửa đời.

Ông Nguyệt nỡ nào trêu quải mãi,

Chị Hằng khéo nhẽ éo le thôi.

Hoa còn phong nhụy ong ve vãy,

Gió đã phai hương bướm tả tơi.

Quá ngán thợ trời ghê gớm bấy,

Xuân xanh được mấy chút thương ôi.

Chữ tình ngang ngửa biết bao nhiêu,

Một chút duyên xưa dở lắm điều.

Bèo lạc không kinh con trẻ lại,

Hoa trăng thêm ruổi cái già theo.

Tài tình nợ ấy vay nên lãi,

Phong cảnh vui đâu gửi đã nhiều.

Đưa đẩy biết tường tay đại tạo,

Cánh hoa trên nước thấm tin triều.

Khen thay con tạo khéo khôn phàm,

Một đố giương ra biết mấy ngàn.

Triền đá cỏ leo, sờ rậm rạp,

Lạch khe nước rỉ, mó lam nham.

Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,

Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.

Đến nơi mới biết rằng Thánh Hóa,

Chồn nhân, mỏi gối, hãy còn ham.

Ghé mắt trông lên thấy bảng treo,

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.

Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.