Đông Di là một nhà văn “trẻ”. Hồ Xuân Hương và tôi là tác phẩm trình “tao đàn” thứ hai của chị (trước đó là cuốn Những đứa con của cây cầu Long Biên đã gây được tiếng vang trong văn giới). Nhân vật chính có tên Đông Di (trùng tên với tác giả) là người mộ đạo Phật, đến Nepal – nơi xưa kia Đức Phật đã đản sinh- cùng với một người bạn có tên là Mỹ Lai. Họ đến với mục đích chính là dự lễ xuất gia của người yêu cũ Đông Di- chàng Tây Độc. Trên đường đi, Đông Di kể lại những điều mắt thấy tai nghe, nghĩ suy, chiêm nghiệm về những di chỉ của một nền văn minh cổ, song hành cùng sự ứng chiếu với thơ của Xuân Hương nữ sĩ. Vừa như một bản du kí, vừa như một bản tự truyện, Đông Di gửi vào tác phẩm niềm kính yêu mãnh liệt dành cho Xuân Hương nữ sĩ.
Đông Di có cách nhìn, cách cảm lạ lùng về Hồ Xuân Hương. Bao lâu nay, Hồ Xuân Hương tưởng như đã được mặc định với danh hiệu cao quý “Bà chúa thơ Nôm” mà ông hoàng thơ tình Xuân Diệu trao. Nhưng không, đến Hồ Xuân Hương và tôi, Đông Di đã nâng Hồ Xuân Hương lên một vị thế mới, thiêng liêng, thành kính: NỮ THẦN. Với Đông Di, nữ thần Hồ Xuân Hương như viên ngọc long lanh, không tì vết. Bà hoàn hảo từ ngoại hình đến tâm hồn, tài năng và phẩm giá. Đông Di cũng cho thấy, đó không phải là chuyện “yêu nhau yêu cả đường đi” mà là “nói có sách, mách có chứng”. Chứng cứ đó được ghi trong sử sách, được hiện diện trong thơ bà và được xác quyết qua lời kể của người đương thời, hết mực thân cận với Xuân Hương thông qua nhập hồn, lên đồng. Từ những cứ liệu đó, Hồ Xuân Hương của Đông Di có sự hội tụ nhiều nữ thần trong một nữ thần: nữ thần sắc đẹp, nữ thần thơ ca, nữ thần tình yêu, nữ thần nhân hậu,…
Sắc nước hương trời của Hồ Xuân Hương đã từng được bao sĩ phu Bắc Hà trầm trồ ngợi khen, đắm say. Đông Di viết: “Lúc này, bài bình luận của các sĩ phu Bắc Hà đột nhiên hiện về trong tâm trí của tôi. Họ là những văn nhân cùng thời với Nữ thần của tôi, và họ đã bình phẩm như thế này: Xuân Hương là một nữ lưu tài hoa, vẻ mặt như hoa đào, nhan sắc như nước thu. Ngàn vàng sao xứng nụ cười duyên. Nàng mà không chết đi, ai mà không mắc lụy. Nàng mà còn sống, ai mà vô tình được?”. Mỹ nữ họ Hồ đã được miêu tả bằng bút pháp ước lệ qua thiên nhiên, bằng những hình ảnh đẹp đẽ nhất của thế giới tự nhiên: hoa đào, nước thu, ngàn vàng sao… Bà khác nào những tuyệt thế giai nhân chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, nghiêng nước nghiêng thành?
Song hành với vẻ đẹp tuyệt mĩ, Hồ Xuân Hương còn là bậc kỳ tài. “Nữ thần của tôi làm thơ chữ Nôm đã vượt lên trên mọi văn sĩ nước Nam, bà còn làm thơ chữ Hán đến cả các văn nhân người Hoa Hạ cũng phải khâm phục”, “Học chữ Hán mới biết là chữ Hán khó, tôi đã trải nghiệm qua sự khó này nên tôi tin chắc làm thơ chữ Hán còn khó hơn gấp bội. Trong thơ của bà, mỗi câu từ đều gắn liền với biết bao nhiêu điển cố. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi; phải mất bao nhiêu năm đèn sách mới học hết được các điển cố này nhỉ ? Chưa kể đến những sự tích trong kinh điển Phật giáo cũng luôn có mặt trong thơ ca của bà. Tôi nghĩ mười năm đèn sách của một sĩ tử cũng vẫn là chưa đủ”. Với Đông Di, đó thực là kì tích đối với một nữ nhi. Nam nhi thời đó cùng đâu dễ gì vượt qua. Tác giả khẳng định: “Đẳng cấp của bà phải là đẳng cấp của một đại thi hào”.
Việc Hồ Xuân Hương mở Cổ Nguyệt đường, Đông Di xem đó là kì tích đáng tự hào của văn hóa nước Việt. Nhà văn đã đặt Cổ Nguyệt đường sánh ngang với salon của các quý bà người Pháp và khẳng định đó “là một hiện tượng độc nhất vô nhị của nền văn minh phương Đông”, không thể “tìm được một Cổ Nguyệt Đường như thế ở Trung Quốc, ở Nhật bản, ở Ấn độ”. Cổ Nguyệt đường là một minh chứng giá trị để thấy tầm vóc, đóng góp về văn hóa của Hồ Xuân Hương là vô cùng to lớn.
Đông Di tìm kiếm, khai thác những điểm hơn người của Hồ Xuân Hương. Tác giả sửng sốt khi bà dám ví mình là rồng, “trong khi các nam văn sĩ trong thời phong kiến thì một chữ cũng không dám động chạm tới hình tượng của hoàng đế”. Điều đó, “thật không thể tìm thấy được ở đâu trong lịch sử văn minh nhân loại từ phương Đông sang phương Tây:
“Rồng tắm ao tù từng phận tủi,
Mưa gieo xuống giếng uổng lòng mong.”
Ở đời sống tình cảm, Đông Di thán phục khi Xuân Hương đã nói đến YÊU và DÁM YÊU ngay từ thế kỷ XVIII:
“Trời đem tài sắc cho trông thấy,
Người có phong tình mới dám yêu.”
Đông Di viết: “Nữ thần của tôi đã bỏ quá xa người đời ở thời đại của bà, thậm chí so với cả người của thời đại ngày nay bà cũng đã ở trên một tầng cao khác rồi. Người đời phần nhiều mới chỉ dám nói đến chứ YÊU, có bao nhiêu người dám dấn thân đi với chữ YÊU? Từ xưa đến nay trong bất cứ bối cảnh xã hội nào, dù ở phương Đông hay phương Tây, người phụ nữ mà dám yêu đều là người cực kỳ can đảm. Nữ thần của tôi không những biết yêu mà còn dám dõng dạc tuyên bố là bà dám yêu giữa những kẻ hủ nho, trong bối cảnh của xã hội phong kiến tại thế kỷ 18. Không thể tin được”. Đông Di nói: “Nữ thần của tôi là duy nhất”. Thú vị là, hơn 200 năm qua, dù đã có bao người yêu thơ Hồ Xuân Hương, nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương nhưng cũng mới chỉ có duy nhất một Đông Di phát hiện những sự “ghê gớm” vượt thời đại đó của Hồ Xuân Hương!
Với những kì tích và dị biệt đó, Đông Di khẳng định Hồ Xuân Hương xứng đáng được tôn vinh là “nữ thần tình yêu” cùng đẳng cấp với Aphrodite, Venus, là “nữ thần văn hóa” cùng với “những nàng Muse, Calliope… “Tuy vậy, những nữ thần này là những nhân vật hư cấu của người Hy Lạp cổ đại, còn Nữ thần của tôi là con người bằng xương bằng thịt”. “Các nữ thần Tình yêu của các nền văn hóa trên thế giới, nào có ai trong số họ biết yêu như Nữ thần của tôi? Nữ thần của tôi dám yêu, dám chấp nhận những hệ luỵ của tình yêu. Tôi không tìm thấy bất cứ một chữ nào trong các bài thơ của bà bày tỏ sự oán trách, sự nghi ngờ hay biểu hiện của sự nhìn đi xét lại xem nam nhân đó có xứng đáng để yêu như vậy không. Xem ra nam nhân này cũng không phải là nhân vật tầm thường”. Chưa kể “Nữ thần của tôi phải bươn trải trong dòng đời, gánh vác trách nhiệm nuôi sống gia đình, chăm sóc mẹ già. Hàng ngày còn phải mang tài nghệ, học vấn của mình ra thi thố với đám kẻ sĩ để duy trì Cổ Nguyệt đường, vừa phải tránh né những lời cợt nhả vừa phải mưu tính cho công việc hanh thông. Vậy mà, bà vẫn giữ một tấm lòng tràn đầy tình yêu cuộc sống, yêu con người”, “thật là người nhân hậu, thật là người phi thường”…
Thần thánh hóa Hồ Xuân Hương như vậy nên Đông Di luôn không kiềm chế được cảm xúc khi thấy Hồ Xuân Hương bị đánh giá chưa đúng tầm hoặc lệch lạc. Nhà văn luôn tiếp đặt câu hỏi: “Cổ Nguyệt đường không phải là một salon văn chương của nền văn hoá Việt sao? Không phải là một hiện tượng độc nhất vô nhị của nền văn minh phương Đông sao? Có thể tìm được một Cổ Nguyệt đường như thế ở Trung Quốc, ở Nhật bản, ở Ấn Độ sao? Chị vẫn không hiểu tại sao người Việt lại không tự hào có một Cổ Nguyệt đường như thế, một salon văn chương Việt như thế trong nền văn hoá của mình?”, “Họ (các nhà nghiên cứu) đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu và nghiên cứu về Nữ thần, chẳng nhẽ họ không hiểu ý tứ của Nữ thần qua câu thơ này?”, “Một người phụ nữ có tài năng có nhan sắc, lại biết yêu và dám yêu hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là Nữ thần tình yêu, tại sao người đời lại không nhận thấy nhỉ?”, “Tại sao lại vậy nhỉ? Tại sao các học giả người Việt, họ không ngồi xuống cùng nhau nghiên cứu kỹ lưỡng những tài liệu về bà, để cho cung cấp cho học trò chúng tôi có một cái nhìn đầy đủ và khách quan?”…
Đông Di luôn lên tiếng cải chính những cái nhìn lệch lạc, sai trái về Hồ Xuân Hương. Nhà văn quyết liệt bảo vệ Xuân Hương nữ sĩ- nữ thần trong lòng bà. Khi Mỹ Lai hỏi: “- Đông Di, chị có thấy Nữ thần của chị rất có hiềm khích với Phật giáo không?”, Đông Di “lập tức tỉnh táo ngay sau câu nói của nàng, vội vàng nói lời cải chính:
– Mỹ Lai, không phải như thế đâu. Mọi người đã hiểu sai về Nữ thần của chị. Nữ thần hay thăm viếng chùa như vậy, lại là người biết chữ nghĩa, đương nhiên là Nữ thần hiểu Phật pháp, chắc chắn đã đọc kinh tạng. Người như vậy làm sao mà không yêu thích Phật giáo được. (…) Các cụ thường hay dạy: Yêu cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi. Nữ thần của chị là yêu Phật, yêu Pháp và yêu Tăng. Vì yêu Tăng nên Nữ thần mới phê phán những hành vi không đúng giới luật của họ, chỉ với mong muốn để họ sửa đổi thôi.”.
Khi nghe Tây Độc trao đổi với Mỹ Lai rằng tác giả Maurice Durand (1914- 1966), người Pháp, dịch thơ Hồ Xuân Hương và nói nữ sĩ họ Hồ là một người đàn bà phóng đãng, bị ám ảnh bởi ham muốn dâm dục, Đông Di nổi xung thiên “trong cơn giận dữ đến không thể kiềm chế”. Cô “hét vào mặt Tây Độc: – Cái lão Maurice Durand kia mới là phóng đãng, dâm dục. Cả đám nhà các anh mới là phóng đãng, dâm dục. Các anh đã dùng tâm hồn dung tục để đọc thơ của Nữ thần của tôi, thật làm ô uế những vần thơ. Anh biết không, tôi đã ước rằng, giá như lũ các anh mù chữ, vậy thì chẳng bao giờ có thể đọc được đến thơ của bà mà đem ra phê bình hay bình luận”. Đông Di không cho phép mọi người làm uế bẩn nữ thần của cô. Xem ra, cô sẵn sàng làm những cuộc thánh chiến để bảo vệ nữ thần họ Hồ.
Một lí do nữa khiến Đông Di xem Hồ Xuân Hương là nữ thần là bởi Đông Di luôn thấy những vần thơ của nữ sĩ ứng với mọi tình huống, hoàn cảnh mà cô trải nghiệm. Với Đông Di, “mỗi bài thơ của bà hiện ra giống như một bức tranh vậy, và mỗi bức tranh là sự phản ánh một khía cạnh của hiện thực trong đời sống nơi trần gian”. Dường như gặp bất cứ chuyện gì, Đông Di cũng có thể dẫn một bài thơ của
Hồ Xuân Hương. Buồn khi thấy không thể làm thầy pháp, Đông Di nhớ xưa Hồ Xuân Hương đã tuyên ngôn:
“Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
Ra khỏi cổng tam quan chùa hiu hắt ở Nepal, Đông Di “bỗng nhiên tức cảnh mà đọc lên bài thơ của Nữ thần:
“Quán Sứ chùa xưa cảnh vắng teo,
Thương ôi sư đã hoá ra mèo.
Sáng banh vắng kẻ khua dùi mõ,
Trưa trật không người quét kẽ rêu.
Thương Tây Độc rơi vào trạng huống éo le, Đông Di cảm thấy “Có lẽ chỉ có Nữ thần của chị mới hiểu được hoàn cảnh của Tây Độc lúc này” với những câu thơ:
“Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhoi,
Lại còn Tề Sở ép hai bên.
Ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận,
Quay đầu về Sở sợ Tề ghen.”
Cứ như vậy, Đông Di đã đan cài 37 bài thơ của Hồ Xuân Hương vào tác phẩm. Các bài thơ như “nói hộ” cho Đông Di những cảnh vật, tâm trạng, nỗi niềm và suy tư. Dường như Xuân Hương đã tiên liệu, dự báo tất cả. Mỗi bài thơ của Hồ Xuân Hương đều như một bài sấm kí. Xuân Hương là nữ thần thơ nước Việt, gửi “tinh anh” trong thơ mình và song hành theo Đông Di trên mọi nẻo đường trong chuyến đi.
Có thể nói, với Hồ Xuân Hương và tôi, Đông Di dành cho Hồ Xuân Hương một tình yêu bất tận. Tình yêu ấy gắn liền tình yêu kinh thành Thăng Long, tình yêu nước Việt. “Người yêu mến Thăng Long sẽ luôn có một tấm lòng đau đáu về nơi chốn này. Tôi yêu thơ của Nữ thần một phần cũng vì tôi luôn tìm thấy sự đồng cảm ở bà trong tình yêu với thành phố này. Mỗi khi tôi nhìn thấy vết đại bác trên bức tường thành Cửa Bắc, hay nhìn thấy vết sứt sẹo trên mai con rùa đang cõng bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tôi đều nhớ đến bài thơ này của Nữ thần”. Đó cũng là tình yêu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”? Có một Đông Di yêu kính Hồ Xuân Hương và cũng có một Đông Di phẳng phất thần khí của Hồ Xuân Hương giữa cuộc đời, ở Nepal, đồng hiện trong Hồ Xuân Hương và tôi?
Nguyễn Thị Tính